Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Bệnh lao khớp háng là gì?

Bệnh lao khớp háng có nguy hiểm không ? Lao khớp háng được coi là biến chứng của bệnh lao phổi, lao hạch, lao thận, lao bàng quang… Bệnh này có mức độ gây tàn phế cao, nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực, hiệu quả sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.


Lao khớp háng là bệnh gì?


Lao xương khớp là căn bệnh viêm khớp do vi khuẩn lao. Vi khuẩn này có thể tấn công ở bất kỳ khớp nào, đặc biệt là các xương khớp lớn, chịu lực nhiều, mật độ xương thấp. Cột sống, khớp háng, khớp gối, cổ chân, bàn chân là những vị trí xương khớp dễ bị vi khuẩn lao tấn công và phá hủy nhất.

Đối tuổi thường mắc bệnh lao xương khớp là từ 16- 45, nhất là những người có tiếp xúc thường xuyên với nguồn lây bệnh, người đã và đang điều trị lao sơ nhiễm, lao phổi, lao hạch, đái tháo đường, người bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng,… Ngoài ra, trẻ em chưa được tiêm phòng lao bằng vaccin BCG cũng có khả năng mắc bệnh rất cao.

Thông thường, vi khuẩn lao sẽ theo đường máu, một số ít theo đường bạch huyết  hoặc lan từ ổ áp-xe lạnh của cơ thắt lưng đến tấn công khớp háng. Người bị lao khớp háng có thể xuất hiện một số triệu chứng nhiễm trùng, nhiễm độc kéo dài như sốt vừa hoặc sốt nhẹ nhưng dai dẳng, sốt về chiều, chán ăn, mệt mỏi, da xanh xao, ra mồ hôi trộm. Khớp háng bị tổn thương sẽ sưng to nhưng không nóng và không đỏ. Màng hoạt dịch trong ổ khớp bị phù nề, mặt khớp bị loét, sụn có nốt lao, củ lao…Hình thành các ổ áp-xe chứa mủ, hoại tử bã đậu, sau để lại ổ rò. Nhiều trường hợp mủ lao ở ổ áp-xe của lao khớp háng đi theo các thớ cơ tạo thành các ổ áp xe lan xuống tận đùi.

Lao khớp háng có mức độ gây tàn phế cao, nếu không được phát hiện sớm và điều trị tích cực, hiệu quả sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Dấu hiệu nhận biết bệnh lao xương khớp háng là bệnh nhân bị hạn chế hoạt động ở khớp háng do đau xương và khớp. Người bệnh không thể co duỗi chân, dạng háng, xoay háng được như ý muốn. Đi đúng không được bình thường mà thường đi tập tễnh hoặc phải dùng gậy chống, có người đỡ.



Nếu người bệnh bị nổi hạch bẹn ở khớp háng thì sau một thời gian hạch này xuất hiện lỗ rò rỉ, tiết dịch. Dịch rỉ có khả năng lây lan và truyền bệnh cho người khác qua chung đụng, tiếp xúc thường xuyên. Bên cạnh đó, không ít trường hợp, tổn thương từ hạch lao khớp háng dẫn đến teo các cơ vận động khớp, cụ thể là teo cơ mông, cơ đùi. Tuy nhiên, biến chứng đáng sợ nhất trong lao khớp háng là bại liệt chi dưới, khiến người bệnh bị tàn phế.

Hiện nay, với những tiến bộ về y học kỹ thuật thì bệnh lao xương khớp nói chung và lao khớp háng nói riêng đã có thể được chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị lao xương đúng nguyên tắc. Vì vậy, khi nhận thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là các triệu chứng lao khớp háng kể trên thì nên đi khám càng sớm càng tốt để chẩn đoán chính xác. Mọi người không nên chủ quan trước các biểu hiện bất thường của cơ thể để tránh bản thân phải hối hận về sau.

Hy vọng rằng những kiến thức được bác sĩ chia sẻ có thể giúp ích cho bạn nhé. Chúc bạn luôn vui khỏe và hạnh phúc cùng người thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét